Câu chuyện về MC Quỳnh Chi tài năng, xinh đẹp
Kể về cái duyên đến với bản tin thời sự tiếng Trung, mình cho rằng đó là sự nỗ lực cố gắng từng bước nhỏ hằng ngày, cộng thêm việc biết nắm bắt cơ hội và một chút may mắn. Trong thời gian học tập trên ghế nhà trường, ngoài nỗ lực học tập, mình luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá và đi làm thêm từ sớm để tích lũy kinh nghiệm cũng như ấp ủ một số dự án cho bản thân.
Có cơ hội học trong ngôi trường hàng đầu về ngoại ngữ - HANU, được thầy cô tận tình chỉ dạy, mình luôn cố gắng để cân bằng giữa học tập, làm việc và hoạt động ngoại khoá để duy trì kết quả học tập ổn định. Với 2 lần nhận được học bổng khuyến khích học tập loại giỏi của trường, cộng với bằng HSK6 và chứng chỉ HSK K cao cấp (2 chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Trung cấp cao nhất) và khoảng thời gian du học trải nghiệm ở Trung Quốc, mình tự tin hơn rất nhiều về khả năng phản xạ và giao tiếp tiếng Trung.
Sau đó, trong một livestream về việc học tiếng Trung và định hướng ngành nghề, mình đã rất ngưỡng mộ các anh chị khóa trên hiện đang làm MC ở Đài. Mình follow các anh chị để lấy thêm động lực, đồng thời mạnh dạn trải nghiệm làm MC cho một số Talkshow, workshop, MC sự kiện từ livestream online đến offline để tích lũy kinh nghiệm và sự tự tin cầm mic trước đám đông.
Mình ấn tượng với câu nói: 《智者创造机会,强者把握机会,弱者等待机会。》 Tạm dịch là: “Người khôn ngoan tạo ra cơ hội, kẻ mạnh nắm bắt cơ hội, kẻ yếu chờ đợi cơ hội”. Vì thế mình đã mạnh dạn nhắn tin cho chị khoá trên hỏi về kinh nghiệm làm MC và không quên thổ lộ với chị mong muốn được thực tập ở Đài nếu có cơ hội. Sau đó vài tháng sau, chị bỗng nhắn cho mình bảo Đài đang tuyển CTV cho bản tin thời sự tiếng Trung, nếu mình muốn thử sức có thể ứng tuyển. Thế là mình gấp rút chuẩn bị hồ sơ, tập luyện thêm khẩu ngữ tiếng Trung và nộp hồ sơ ứng tuyển. Sau thời gian đào tạo, mình may mắn được nhận.
Bản tin thời sự tiếng Trung, kênh Hanoi1 (H1), thuộc Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội (HTV), là chương trình kéo dài tầm 10-15p nói về những tin tức thời sự chính của Hà Nội trong ngày bằng tiếng Trung. Những số phát sóng đầu tiên mình bỡ ngỡ và vấp lỗi, phải quay đi quay lại rất nhiều, sau đó may mắn được các anh chị đi trước chỉ bảo nên dần khắc phục.
Hành trình của cô học sinh Nghệ An không nói rõ “tiếng Bắc” cho đến MC bản tin thời sự tiếng Trung
Mình sinh ra và lớn lên ở vùng quê xứ Nghệ, từ bé lớn lên trong từng làn điệu dân ca và có giọng nói đặc sệt âm điệu miền Trung.
“Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em!”
Xuất phát điểm từ dân khối A nhảy ngang sang ban D, cộng với giọng nói có phần khác biệt so với các bạn cùng khoá, thời gian bắt đầu nhập học ở Đại học Hà Nội thực sự là khoảng thời gian khó khăn nhất của mình. Hai điều quan trọng nhất khi bắt đầu học ngoại ngữ là khả năng cảm nhận ngôn ngữ và sự tự tin dám nói dám sửa, lúc đó mình đều không có! Mình đi học với tâm thế thu mình và khép nép vì lo lắng.
Mặc dù từ bé mình đã có đam mê được thể hiện giọng nói của mình trước đám đông, từng đứng trước toàn khối, toàn trường đọc diễn văn hay phát biểu, nhưng bằng âm giọng đậm chất miền Trung. Bước ngoặt đến với mình khi đăng ký vào Ban chấp hành khoa tiếng Trung Quốc và được đỗ ở “vòng vớt” vì sự khác biệt tự tay sáng tạo làm thiệp apply, tự trang trí và viết tay toàn bộ. Mình dần hoà nhập được với các bạn trong lớp, trong khoa, tích cực tham gia nhiều hoạt động do trường, do khoa tổ chức, một mặt vừa tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích, rèn luyện khả năng giao tiếp và giọng nói, mặt khác giúp mình tự tin hơn, hoà đồng hơn.
Vượt qua năm nhất rụt rè và thu mình, Chi của năm 2 ngày càng tự tin và năng động hơn. Hai năm đầu học thực hành tiếng, được các thầy cô tận tình chỉ dạy, đã xây cho chúng mình một nền tảng tiếng Trung cơ bản thật chắc. Giảng viên khoa Trung thật tuyệt vời! Vẫn nhớ từng bài giảng, bài học của cô Thanh Mai, nhớ cô Hoài Tâm bắt nắt nót từng con chữ, nhớ cô Huyền kiên nhẫn sửa cho lớp mình từng chữ phát âm, nhớ thầy Khiêm chỉnh từng câu văn,... Còn nhớ buổi cuối thi khẩu ngữ năm đó, cô Nhung đã tặng mình một cái ôm thật chặt, hai cô trò rưng rưng nước mắt, cuối cùng thì cô bé xứ Nghệ cũng vượt qua được rào cản âm đọc địa phương để phát âm chuẩn ngoại ngữ mới - tiếng Trung.
HANU là môi trường của những sinh viên năng động và tự tin, HANU là nơi bạn có thể thoải mái thể hiện phong cách mà không phân biệt vùng miền, không phân biệt màu da, màu tóc hay bất kì điều gì. Do vậy, “xé nháp” năm nhất khép mình, lên năm 2 mình tự tin thể hiện cá tính riêng, ứng cử làm bí thư lớp, tham gia nhiều hoạt động của khoa, của trường, của thành phố với vai trò là người tổ chức, tình nguyện viên, thử sức làm MC cho một số sự kiện và từng bước tiến đến ứng tuyển thành công làm MC bản tin thời sự tiếng Trung của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội.
Niềm đam mê tiếng Trung ươm mầm nhiều dự án ấp ủ
Sau quãng thời gian gap-year 1 năm du học ở Trung Quốc, mình quay trở về HANU và tiếp tục chương trình học năm thứ 3 cùng khóa k18. Có người hỏi mình có hối hận không khi nghỉ ngang lúc vừa kết thúc năm 2 đại học, tốt nghiệp muộn 1 năm, … Mọi chuyện nghe có vẻ bồng bột nhưng để lại cho mình nhiều kỉ niệm và trải nghiệm lý thú!
Trong mấy tháng ở nhà học online vì dịch bệnh, với mong muốn chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm học tiếng Trung, tự apply học bổng và cuộc sống du học, mình đã lập fanpage Nhật Ký Du Học (hơn 17k like) và group Tự học tiếng Trung online và tổ chức thi thử HSK online miễn phí hằng tuần (hơn 10k thành viên), rất vui vì có nhiều bài viết viral được các bạn trẻ hưởng ứng. Sau đó, sẵn về lợi thế có thẻ ngân hàng Trung Quốc và kinh nghiệm mua hàng trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc, mình đã cùng với một người bạn lập shop order đồ dùng học tập, quần áo online và tập tành kinh doanh nhỏ trên các nền tảng.
Kết thúc 4 năm học ở khoa tiếng Trung Quốc - Trường Đại học Hà Nội, với mong muốn nghiên cứu và phát triển các dự án về giáo dục liên quan đến tiếng Trung, mình đã nỗ lực lọt top 10% sinh viên được đăng ký viết luận văn tốt nghiệp của khoa.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Ths. Nguyễn Thị Minh Phượng và sự cố gắng của bản thân, KLTN của mình đạt điểm 9,6/10, xếp loại xuất sắc, là một trong 2 bài luận có điểm cao nhất toàn khoá.
Từ lý luận đến thực tiễn, trong quá trình nghiên cứu, mình thấy rằng cách tốt nhất để chứng minh tính ứng dụng của một phương pháp đó là phải thử nghiệm cộng đồng. Nhận ra cánh cửa ngách khi thời gian tới, kì thi quan trọng nhất của cộng đồng học tiếng Trung HSK sẽ có khả năng chuyển từ 6 cấp lên 9 cấp, kéo theo đó là sự thay đổi hàng loạt về bộ từ vựng, hệ thống tài liệu tham khảo. Dự án CD-Flashcard cũng bắt đầu từ đó! Mình lập ra nhiều kênh và nhóm khác nhau trên các nền tảng, chia sẻ kiến thức tiếng Trung và phương pháp học từ vựng qua Flashcard dành cho người mới bắt đầu.
Sau đó, CD-Flashcard may mắn được cộng tác với nhà sách Bác Nhã (trực thuộc hệ thống TMEdu) để cho ra sản phẩm đầu tiên là bộ Flashcard Msutong sơ cấp, hiện đã có mặt trên thị trường.
Hiện tại, mình đang nghiên cứu và phát triển hệ thống giáo dục ngoại ngữ thụ động cho trẻ em thông qua Flashcard. Mình nhận ra rằng, không chỉ thi HSK, không chỉ người mới học tiếng Trung, mà phương pháp Glenn Doman học qua Flashcard cũng đã chỉ ra hiệu quả tích cực trong giáo dục sớm tăng khả năng ghi nhớ, kích thích não phải, kích thích thị giác và tiềm năng ngoại ngữ của trẻ. Hệ thống CD KID Flashcard - Giáo dục thụ động ngoại ngữ sớm cho trẻ, website: www.cdgr.edu.vn, bao gồm các khoá học ngoại ngữ Anh, Trung, Hàn, Nhật, video thể hiện dưới dạng flashcard xuất hiện nhanh, âm thanh của trẻ em bản địa, hình ảnh sinh động phù hợp với trẻ em. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, công nghệ kỹ thuật số ngày một phát triển, tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ ngày một nâng cao. Hy vọng rằng, CD KID Flashcard sẽ ươm mầm thêm nhiều tài năng ngoại ngữ nhí.
Sinh viên HANU nổi tiếng với sự năng động, mình cũng giống với hầu hết các bạn đăng ký thực tập từ sớm và không ngần ngại thử sức với nhiều vị trí công việc khác nhau như gia sư dạy trẻ, giáo viên đứng lớp dạy tiếng Trung cho người đi làm, phiên dịch, biên dịch, thu ngân, bán hàng, làm content marketing cho trung tâm tiếng Trung, tư vấn du học, mở shop bán hàng online, tham gia các livestream chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Trung và cuộc sống du học với vai trò là MC, khách mời, tổ chức event, MC sự kiện offline,...
Cho đến hiện tại, mình đang làm phiên dịch tiếng Trung cho một công ty Trung Quốc, đồng thời làm MC bản tin tiếng Trung Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội và vẫn luôn ấp ủ trong mình những dự án mới. Mỗi công việc đều mang đến cho mình bài học bổ ích, những trải nghiệm khác nhau, quan trọng nhất là sự tự tin vào bản thân, không ngại khó, không ngại khổ. Tuy vậy, mình cũng như các bạn khác, có một khoảng thời gian tự cảm thấy thật bấp bênh và bế tắc khi chuẩn bị ra trường, và gặp một số khó khăn trong công việc, học tập và cũng không tránh khỏi những lời từ chối. Dần bỏ qua mặc cảm ở những lần thất bại, mình mạnh mẽ hơn và rút ra nhiều bài học cho bản thân.
Mình rất thích câu nói: "The darker the darkness, the brighter the light", tạm dịch là “Bóng tối càng tối thì ánh sáng càng sáng”, mình được nghe trong kênh podcast The Present Writer của chị Chi Nguyễn, cũng là một cựu sinh viên HANU. Ánh sáng và bóng tối, khó khăn và thành công, bạn vượt qua được khó khăn to bao nhiêu thì sẽ nhận về thành công lớn bấy nhiêu.
Những lúc cảm thấy áp lực, mình thường thích nhìn lên bầu trời, mây trắng lững lờ trôi cao và xa, tâm trí lượm nhặt những giấc mơ dang dở. Ánh nắng chiếu vào rực rỡ, ước mơ có màu bạc, lấp lánh. Vậy ra ước mơ có màu của mặt trăng, chỉ khi đêm buông trời tối màn đen, ánh trăng mới toả sáng nhất, chỉ sau khi vượt qua khó khăn đen tối, chúng ta cũng mới đạt được thành công rạng rỡ nhất. Niềm đam mê tiếng Trung và ngoại ngữ đã ươm mầm cho nhiều dự án còn ấp rủ. Tuổi trưởng thành, sau tốt nghiệp, mình đuổi theo ước mơ kia trong “biển mặt trăng”, nhẹ bẫng, đôi chân không mỏi.
(Trích nguồn: https://hanu.vn/a/107496/Tu-co-hoc-sinh-Nghe-An-khong-noi-ro-tieng-Bac-cho-den-MC-ban-tin-thoi-su-tieng-Trung?)